Giáo dục đạo đức và nếp sống thiền gia trong “Uy nghi môn”

Thứ tư - 14/12/2016 03:33 Đã xem: 3647
Nội dung của “Uy nghi môn” còn có những điều răn dạy cụ thể mà bậc Sa di phải thực hành. Những quy định đó có ý nghĩa điều chỉnh hành vi đạo đức của những người mới xuất gia tu Phật bằng cách giáo dục, hướng dẫn hành vi ứng xử đối với mọi người trong xã hội
Giáo dục đạo đức và nếp sống thiền gia trong “Uy nghi môn”

Trong bộ “Sa di luật nghi yếu lược” bản tiếng Hoa, xuất bản tại Đài Loan năm 1998, có hai phần: “Thập giới” và “Uy nghi môn”. “Uy nghi môn” có 24 đề mục, chứa đựng 24 nội dung khác nhau (ở Việt Nam thường gọi là “24 uy nghi”). Đây là bộ luật mà bậc Sa di và tất cả những ai xuất gia tu Phật đều phải học và thực hành. Đó là những qui định trong nền nếp ăn ở đối với thầy, đối với những người đồng tu, đối dân làng nơi mình tu và những qui định rất chi tiết trong sinh hoạt hàng ngày của họ. Đặc biệt, ý nghĩa giáo dục của bộ luật này không chỉ đối với những người tu hành đạo Phật mà nó còn có tác dụng giáo dục đối với tất cả mọi người dân, nhất là tầng lớp trẻ trong xã hội ta hiện nay.

1. Trước hết là đối với thầy dạy
Những nội dung nói về cách ứng xử đối với thầy của bậc Sa di được thể hiện ở mục các “Kính đại sa môn” (1), “Hầu thầy”, “Theo thầy xuất hành”. Trong các mục này là các qui định về cách đi đứng, ăn nói, tư thế, tác phong,… đối với bậc Sa di và đặc biệt là những qui định về bổn phận của trò đối với thầy trong đời sống hàng ngày. Đơn cử như: Khi thầy bị bệnh, trước sau phải phục vụ chu toàn. Buồng phòng, quần áo, khăn, thuốc thang, cơm cháo,… đều phải hết lòng; thầy nói chưa xong, không được cướp lời thầy. Nếu được thầy sai đưa thư, không được mở ra xem v.v… 

Những qui định về bổn phận của Sa di đối với thầy tuy có một số điểm chúng ta thấy có cái gì giống với lễ giáo phong kiến, có cái gì giống với nếp sống của gia đình Nho giáo lỗi thời, nhưng xét kỹ, có nhiều điều phù hợp với việc giáo dục đạo đức cho lớp trẻ ngày nay.

2. Những qui định trong “Uy nghi môn” đối với Sa di trong mối quan hệ với những người đồng tu
Các Sa di không được tranh nhau chỗ đứng; không được cùng nhau cười nói, hò la trên tòa; không được tự cho mình là tài giỏi hơn người v.v…
Những quy định khi sư tăng đến chùa sư ni như không được đi một mình mà phải đi hai người, không được thuyết pháp sai giờ. Không được viết thư qua lại, cũng không được nhờ cậy cắt vá, giặt giũ quần áo, đồ dùng, không được nhờ sư ni gội đầu, cắt tóc, không được cùng sư ni ngồi nơi kín đáo,… và rất nhiều những qui định cụ thể khác đối với Sa di trong mối quan hệ với những người đồng tu.
3. Những điều dạy bảo cho Sa di trong sinh hoạt thường ngày
Nội dung này chiếm phần lớn trong “Uy nghi môn”. Cũng trong mục “Đến với chúng tăng”, sách “Uy nghi môn” dạy bảo các Sa di về đường ăn nếp ở. 

- Về việc vệ sinh cá nhân hàng ngày: khi rửa mặt không được dùng nhiều nước, khi xúc miệng, phải cúi đầu mà nhổ nước ra, không được để nước bắn vào người khác. Khi vào nhà tắm, trước tiên phải dùng nước nóng rửa mặt, rồi rửa từ trên xuống dưới, rửa từ từ không được làm vội vàng thô lỗ, không được lấy nước nóng té vào nhau. Không được tiểu tiện ra nhà tắm; không được cùng người khác cười đùa nói chuyện trong nhà tắm. Khi gội nước không được phát ra thành tiếng. Nếu bị lở loét, ghẻ, nấm thì phải tắm sau, hoặc tắm riêng để không lây cho người khác. Không được cố ý tắm rửa lâu, gây trở ngại cho người khác. Khi cởi, mặc quần áo phải an tường tự tại. Khi vào nhà xí: dù thế nào cũng không được giục người đang ngồi trong nhà xí phải vội ra. Khi ngồi xuống, đứng lên phải nhẹ nhàng, không phát ra thành tiếng; không cúi đầu xuống nhìn; không được nói chuyện cách tường với người khác; không được nhổ vào tường. Đại tiện, tiểu tiện xong phải rửa tay sạch sẽ. Không rửa tay sạch sẽ không được cầm đồ vật, không được đáp lễ.

- Khi ngủ, không được ngáy to; không được ngủ riêng tịnh thất, tịnh địa mà phải ngủ ở nơi đông người. Phải nằm nghiêng về phía tay phải, không được nằm ngửa, không được nằm sấp; không được ngủ cùng phòng với đại tỷ khưu qua ba đêm. Không được cùng Sa di đồng sự ngủ chung một giường; không được mặc quần áo chung, phải nhớ mặc đủ quần áo ngắn trên mình, không được để hai thân thể tiếp xúc với nhau. Khi phơi quần áo lót, giầy tất không được phơi cao quá đầu. Không được mang đồ tiểu tiện qua tượng thánh và pháp đường; không được cao giọng cười nói trên giường ngủ. Trước khi đi ngủ phải niệm Phật, Pháp, Tăng, niệm giới, niệm trời, niệm vô thường.

- Khi mời khách uống nước, không được đưa một tay. Không được hướng vào tháp mà đánh răng, cũng không được hướng vào các thầy, các đại tỷ khưu làm việc đó. Không được nói nhiều, cười nhiều, nếu cười to hoặc thở mạnh thì phải lấy  tay áo che miệng. Không được lấy đèn thờ Phật dùng vào vào việc riêng. Hoa cúng Phật hái ở trong vườn, không được ngửi trước. Người hái chỉ được lấy hoa mới để cúng. Người hái hoa để cúng Phật không được vứt hoa xuống đất không được dẫm lên hoa. 

- Về việc may sắm quần áo: không được may sắm nhiều quần áo, nếu có thừa thì phải cho bớt đi; khi mặc quần áo, tay phải sạch sẽ. Thấy người lao động vất vả, không được nhìn họ mà nhìn tránh đi chỗ khác; không được lấy làm của riêng các đồ ăn uống, rau quả; không được bàn chuyện đắc thất, chính sự của nhà nước, cũng không được bàn chuyện tốt xấu to nhỏ của nhà thường dân.

- Về việc xưng hô: khi nào tự xưng thì dùng hai chức pháp danh, không được xưng là “tôi” hay “tiểu tăng”. Không được vì việc nhỏ mà tranh chấp. Nếu việc lớn khó nhẫn nhục được thì phải lo giữ cho hòa khí bình tâm, dùng lý lẽ biện bạch. Nếu vẫn không giải quyết được thì nên có lời từ tạ mà đi. Nếu nóng nảy, có cử chỉ tỏ ra thô lỗ thì không được. Nếu vi phạm luật Phật chế, nghe chúng tăng bạch, không được chống lại không nghe.

- Về việc ăn uống: khi nghe tiếng mõ cá (mõ cá là hiệu lệnh báo đến giờ ăn cơm), phải lập tức chỉnh đốn y phục; lúc vào ăn, phải tụng kinh một cách cung kính. Không đươc lên tiếng trách mắng bình phẩm khi được ăn thức ăn không ngon; không được giữ thức ăn của mọi người cho riêng mình v.v…

- Về việc học tập: không được dùng miệng thổi bụi trên kinh sách, không được để bã chè, khăn mặt, tạp vật lên án kinh, quyển kinh, không được để kinh điển rách nát; tay không sạch sẽ thì không được cầm quyển kinh; không được cười đùa khi ngồi trước quyển kinh, không được để kinh sách lộn xộn, mà phải để có trật tự; không được để quần áo bẩn, đồ dùng không sạch sẽ lên bàn kinh; mượn kinh của người khác, phải nâng lưu giữ gìn, không được để rách nát. Không được cao giọng đọc kinh làm ảnh hưởng đến người khác.

- Về việc vào tự viện và thiền đường: không được đi vào cửa chính giữa mà phải đi vào hai cửa bên; vào điện tháp phải đi vòng từ bên phải qua bên trái, không được để nón, gậy dựa vào tường điện, không được đi guốc, cầm guốc vào trong điện tháp. Lên thiền đường, không được dùng vạt áo quạt gió kêu thành tiếng, khiến người bên cạnh không tập trung niệm Phật được. Khi niệm Phật trên thiền đường không được cao giọng to tiếng; không được bỏ nón, đặt hài, thở thành tiếng mà phải nhẹ nhàng; không được kề đầu ghé tai cùng người khác bàn chuyện thế sự. Nếu có người thân, bạn bè cùng ngồi, không được nói chuyên riêng trong thiền đường lâu quá; không được cùng nhau đứng nói chuyện dưới gốc cây, đầm nước. Khi lên xuống thiền đường phải nhẹ nhàng, không được làm người khác khó chịu.

- Hàng ngày, khi gà gáy lần thứ hai, phải lập tức lên thiền đường ngồi vào chỗ của mình. Không được tu tập uống trà, nói chuyện, khâu vá quần áo trên thiền đường. Không được nằm nói chuyện với người bên cạnh, làm ảnh hưởng đến người khác.

Ngoài ra còn có các qui định về việc chấp tác, khi sinh hoạt ở trong phòng, v.v…

4. Những qui định trong mối quan hệ với dân làng
- Khi đến nhà dân: không được liếc dọc liếc ngang, không được nói năng bừa bãi, không được cười nhiều. Không được thư từ qua lại cũng như mượn cớ các việc khác để qua lại với đàn bà con gái. Không được đưa lễ, giao thiệp qua lại, kết bái làm cha mẹ, làm chị em, anh em với người bạch y. Không được quản lý việc nhà. Không được giảng giải với tăng trong khi có lỗi.

- Nếu theo phong tục phải hầu hạ cha mẹ, trước tiên vào giữa nhà lễ Phật, rồi ân cần thăm hỏi phụ mẫu, quyến thuộc. Không được nói với cha mẹ rằng phép thầy nghiêm lắm, xuất gia khổ lắm, vắng vẻ đạm bạc lắm, gian nan cay đắng lắm, phải nhịn nhục nhiều lắm mà phải nói về Phật pháp để cha mẹ có lòng tin. Không được ngồi lâu, đứng lâu, cười đùa vui vẻ với trẻ em thân tộc. Không được hỏi người trong họ những điều thị phi xấu tốt trong họ, trong làng. Không được đi đêm. Nếu trời tối phải ngủ lại thì phải một mình một giường, ngồi nhiều nằm ít, nhất tâm niệm Phật, xong việc phải về ngay, không được quyến luyến.

- Về việc khất thực: phải cùng đi với người già. Nếu không có người cùng đi, phải hỏi để biết được nơi sẽ đến là thế nào. Sau khi đến nhà người ta, phải chú ý lời nói, cử chỉ, không được để mất thể diện. Nếu là tăng, nhà không có con trai, không được vào cửa. Nếu muốn ngồi, trước tiên phải xem giường chiếu, nếu trên đó có binh khí, có bái vật, có quần áo phụ nữ thì không được ngồi. Nếu muốn giảng kinh, phải biết lúc ấy giảng có đúng giờ hay không để không giảng sai giờ. Không được đi khất thực với vẻ mặt bi ai khổ sở; cũng không được rộng bàn nhân quả để hy vọng người ta bố thí cho nhiều. Không được gợi ý sự thịnh tình bố thí của thí chủ, cũng như sự thịnh tình mang đồ ăn đến am viện của thí chủ.

Tóm lại, như chúng tôi đã trình bày ở trên, nội dung của “Uy nghi môn” còn có những điều răn dạy cụ thể mà bậc Sa di phải thực hành. Những quy định đó có ý nghĩa điều chỉnh hành vi đạo đức của những người mới xuất gia tu Phật bằng cách giáo dục, hướng dẫn hành vi ứng xử đối với mọi người trong xã hội của những người đang ở bậc Sa di, để từ đó từng bước tự hoàn thiện mình. Những qui định trên đây là rất chi tiết, cụ thể. Một số qui định đó ngày nay tỏ ra không còn phù hợp nữa, nhưng nhìn chung là có tác dụng giáo dục không chỉ đối với những người mới xuất gia tu Phật mà còn đối với cả lứa tuổi thanh thiếu niên ngoài đời hiện nay. Với ý nghĩa đó, loại trừ một số nội dung chỉ áp dụng đối với nhà tu hành, những qui định về chuẩn mực đạo đức trong “Uy nghi môn” sẽ rất có ích nếu tuổi trẻ ngày nay học tập và làm theo những qui định trong đó.
Nguyễn Quang Khải
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5/2016

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây